Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”: Toả sáng những sắc màu văn hoá

Last Updated:2014-02-20 04:55:09

Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 15 - 17/02/2014 (ngày 16 - 18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ) đã khép lại, nhưng chuỗi các hoạt động trong Ngày hội đã thực sự để lại những ấn tượng tốt đẹp và hấp dẫn, lôi cuốn du khách bởi chính những giá trị bản sắc của các dân tộc, nhất là những giá trị văn hóa trong ngày Tết cổ truyền của 54 dân tộc anh em. Và sự tham gia của hàng vạn du khách trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” cũng đã chứng minh một cách thuyết phục sức hấp dẫn của chương trình này.

Có thể nói, “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” là cuốn “từ điển sống” về những lễ hội mùa xuân trên khắp cả nước. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm và cảm nhận không chỉ một mà nhiều sắc màu văn hóa với những nét đặc trưng bản sắc khác nhau.

Độc đáo lễ cúng trỉa lúa của dân tộc Brâu

Lễ cúng trỉa lúa là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và triết lý sống nhân văn sâu sắc của đồng bào dân tộc Brâu ở Tây Nguyên - một dân tộc rất ít người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam hiện nay. Nó không chỉ thể hiện khát vọng mãnh liệt vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên của đồng bào mà còn tạo cơ hội tốt để mọi người tăng cường tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng và chung tay xây dựng buôn làng ngày một giàu đẹp hơn…

Lễ cúng trỉa lúa của dân tộc Brâu. Ảnh: HT
Theo tục lệ, lễ cúng trỉa lúa thường diễn ra khoảng hai ngày: ngày thứ nhất là ngày chuẩn bị và ngày thứ hai là ngày chính thức diễn ra lễ hội trỉa lúa trong đó lễ hội trỉa lúa lại có hai phần chính đó là: phần lễ và phần hội.

Trong phần tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sáng 15/02/2014, đồng bào Brâu đã giới thiệu tới du khách lễ hội trỉa lúa với những nghi thức cúng tế truyền thống. Bên cạnh đó là phần hội giao lưu, nhảy múa, biểu diễn cồng chiêng… Đây là phần được trông đợi nhất vì người Brâu tin rằng trong ngày này nếu được khách khứa tới thăm càng đông thì bà con càng thích bởi lẽ họ coi những người khách chính là người được Yàng phái tới và điều này đem lai cho họ vụ mùa tốt tươi, bội thu như mong muốn…

Sự độc đáo của những lễ hội đến từ đại ngàn Tây Nguyên luôn tạo sự hứng khởi và thu hút đông đảo du khách. Trong không gian của dân tộc Brâu tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, sắc xuân đã tràn ngập với những tiếng cười của cộng đồng các dân tộc và du khách.

Hội làng mừng năm mới của đồng bào Dao Thanh Y (Quảng Ninh)

Rời bước từ không gian văn hoá của dân tộc Brâu, du khách lại háo hức tham dự Hội làng mừng năm mới của đồng bào Dao Thanh Y (Quảng Ninh) được tái hiện tại không gian nhà dân tộc Dao vào ngày 16/02/2014. Đây là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa khởi đầu cho năm mới, bởi thế, mọi người trong làng, nhất là các chủ hộ đều có mặt đông đủ, lễ vật trình làng được sắm sanh chu đáo, để cả năm dân làng được bình an vô sự, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu, mọi nhà no đủ.

Hội làng mừng năm mới của đồng bào Dao Thanh Y (Quảng Ninh). Ảnh: HT
Hội làng ngày nay vẫn mang một phần quan trọng của ý nghĩa xưa và còn mang thêm nét văn hóa đương đại: là nơi tổ chức xây dựng nếp sống văn hóa trong làng xã; là nơi bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Dao Thanh Y; là nơi tuyên truyền, phổ biến những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, quy ước, hương ước của làng xã.

Hội làng thường gồm hai phần: Lễ và Hội, được tiến hành từ lúc 7 - 8 giờ sáng. Dân làng đóng góp sản vật tại nhà ông Trưởng tộc (có thể là Trưởng bản, Thầy mo), gồm: một con gà, một bát gạo nếp và 1 - 2 lít rượu (rượu chua - đặc sản của người Dao Thanh Y hoặc rượu trắng).

Phần lễ được tiến hành do Trưởng tộc và Thứ tộc thực hiện. Mâm lễ do Trưởng tộc đứng, cầu khẩn trời đất, thổ công, thần núi, thành hoàng làng và các dòng họ của người Dao Thanh Y trên địa bàn xã Bằng Cả chứng cho lòng thành của các bậc con cháu một lòng một dạ tôn thờ trời đất, các vị thần và gia tiên các dòng họ… Mâm lễ do Thứ tộc đứng, cầu khẩn cho người đi rừng, trồng rừng, làm rẫy, tăng gia sản xuất được an toàn, phát triển; cầu cho dân làng bản đều được mạnh khỏe, trời đất tạo mưa thuận gió hòa để dân làng sản xuất ra nhiều của cải. Thành phần tham gia dự phần Lễ là các chủ hộ (nam giới) đã được cấp sắc, tức là đã trưởng thành.

Sau phần lễ là phần hội có sự tham gia của tất cả người trong làng Bằng Cả: già, trẻ, gái, trai đều được tham gia, đặc biệt là trong các trò chơi dân gian như: ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, đánh quay... Những nét đặc sắc đó trong Hội làng của đồng bào Dao Thanh Y (Bằng Cả, Hoành Bồ, Quảng Ninh) đã được tái hiện tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam với đầy đủ những nét độc đáo của nó, thu hút sự tham dự của đông đảo du khách.

Lễ cầu mùa đầu năm mới của dân tộc Sán Chay

Cũng trong ngày 16/2/2014, đồng bào dân tộc Sán Chay đến từ làng Ngọc Tân, xã Ngọc Quang, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ đã tái hiện Lễ cầu mùa mừng năm mới - một trong những lễ hội quan trọng được tổ chức để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, mọi nhà ấm no, hạnh phúc. 

Lễ cầu mùa của dân tộc Sán Chay. Ảnh: HT
Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Sau khi chuẩn bị cho lễ cúng chủ tế cùng dân làng làm lễ cầu mùa dâng Tam vị đại vương Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, phong đăng hòa cốc - vật thịnh nhân khang. Cầu mong thần linh, vua Hùng cùng tổ tiên phù hộ cho trăm họ an khang, con cháu dài lũ, đông đàn, thịnh vượng, người người khỏe mạnh, nhà nhà hạnh phúc.

Trong ngày hội, đồng bào dân tộc Sán Chay thường diễn điệu múa “Chim sâu”, múa “Xúc tép”. Đây là hai điệu múa mô phỏng các động tác lao động, sản xuất của dân tộc Sán Chay trong đời sống sinh hoạt thường ngày.

Linh thiêng Lễ hội Păng Katê của dân tộc Chăm (Bình Thuận)

Lễ hội Păng Katê trong khuôn khổ các hoạt động tại Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” được tái hiện ngày 17/02/2014 trong không gian nhà dân tộc Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Păng Katê (hay còn gọi là Tết cha) là lễ hội dân gian đặc sắc được người Chăm Balamôn dày công vun đắp và được tổ chức vào thời điểm đầu tháng 7 theo lịch Chăm hàng năm, theo tuần tự từ Katê đến Tháp, Hoàng tộc, làng palei cho đến gia đình. 

Lễ Păng Katê của dân tộc Chăm (Bình Thuận). Ảnh: HT
Lễ vật cúng rất phong phú gồm: hoa quả, bánh trái đủ loại, cúng cơm, cúng rượu và thịt. Sau khi lễ vật được bày trí xong, vị sư cả chủ trì lễ sẽ lần lượt khấn nguyện thỉnh mời 16 vị thần về hưởng mâm cỗ để phù hộ độ trì cho dân làng, gia đình được bình yên, sức khỏe, cầu tài cầu lộc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn sự tốt lành.

Lễ hội Katê không chỉ gắn với yếu tố tâm linh nơi đền Tháp, làng palei cho đến gia đình, mà nó còn là nơi lưu giữ những giá trị thẩm mỹ cao nhất của nền văn hóa Chăm được biểu hiện qua các lễ nghi, lễ vật, y phục, nhạc cụ và những bài thánh ca, ca gợi các vị anh hùng có công với dân, với nước. Lễ hội Păng Katê là một minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Rộn ràng lễ hội Chá Chiêng của dân tộc Thái

Chá Chiêng là lễ hội tín ngưỡng do ông Mùn lớn - người có uy tín trong cộng đồng người Thái tổ chức. Cứ ba năm, ông Mùn lại tổ chức lễ tạ ơn Then Luông và các then khác trên Mường Trời.

Địa điểm tiến hành lễ thường là ngôi nhà sàn của chính ông Mùn. Ngày đó, ngôi nhà được trang trí sặc sỡ bằng những tấm vải thổ cẩm. Chính giữa nhà đặt cây hoa chá - cây hoa trung tâm của lễ hội. Tham gia vào cuộc lễ gồm có: ông Mùn luông chủ lễ, ông Mùn lam, ông nhồm (phụ trò), ông thổi pí mùn, các con nuôi và đông đảo dân chúng.

Hội Chá Chiêng của người Thái (Hoà Bình). Ảnh: HT
Cây hoa chá được làm bằng cây tre, đục nhiều lỗ để cắm các cành hoa do các con nuôi làm và mang đến. Hoa được làm bằng thân cây mềm, xốp gọt nhiều cánh và nhuộm nhiều màu. Cây được phân ra làm hai tầng: tầng cao nhất là tầng của trời, tầng chủ lễ; tầng dưới là tầng của trần gian treo những vật đan kết bằng sợi lạt tre, nứa tượng trưng cho vạn vật trên mặt đất như ếch, nhái, ve sầu, chim, cá, quả trứng, cái bừa, khung cửi, cái trống, con dao… biểu tượng cho sự sống sinh sôi nảy nở ở trần gian.

Lễ hội Chá Chiêng diễn ra hai ngày một đêm. Ngày thứ nhất, ông Mùn luông cúng xôi phát hạn ho xin phép trời được hành lễ chá và cho phép thuật được nhập vào Mùn luông. Lễ này gọi là lễ “pồn cốn pời mường”. Ngày hôm sau, ông Mùn luông bắt đầu hành lễ, những người khác phụ giúp việc nhà… Sau mo này mới được phép mổ lợn và các con nuôi dâng cỗ. Ông mùn làm lễ “an pàn kháu” điểm mâm cỗ các con nuôi. Nhiều trò chơi cùng lúc hoà nhịp với lời mo: múa kiếm, múa khăn dập bóng bu… Các con nuôi hoà vào cuộc múa của thầy mùn đóng vai các ma (phi), các loại người như người mù, người què, mẹ Mường (mẹ trời sinh ra con người), kẻ trộm cắp, kẻ tham ăn, nàng Sen Bèn (thần ái tình), trai Lào, khách buôn, người bán v.v… diễn tả các động tác lao động như cưỡi voi, phi ngựa, dắt trâu, dệt vải, hái nấm, xúc cá, đắp bai, làm mương, cày, bừa, cấy, gặt v.v…

Sau những phần diễn trên là phần hát nhặt hoa. Hát nhặt hoa là hát đoán số mệnh các con nuôi, do ông mùn hát. Hát mo tiễn Mường Then về trời được coi là phần kết thúc lễ hội. Ông mùn luông cầm con gà trống mào đỏ rực vừa đi vòng quanh cây hoa vừa hát. Hát dứt một chặng mo, Mùn luông lại cất lên một tiếng gà gáy “càng lế ốc” báo hiệu đường lên trời bước sang ngày mới.

Cuối cùng, ông Mùn luông hát lời mo gọi vía cho tất cả mọi người dự hội. Quan niệm cho rằng, khi dự lễ chá, người có vía “non” thường “rơi vía”, sinh ra ốm đau nên ông mùn phải gọi vía trở lại với mọi người, mong mọi người luôn khoẻ.

Lễ hội Chá Chiêng của đồng bào Thái (Hoà Bình) với nhiều nghi thức độc đáo đã được tái hiện rộn ràng trong không gian nhà Thái tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày 17/02/2014.

Độc đáo lễ hội bắt chồng của dân tộc Chu Ru

Mỗi năm, mùa bắt chồng các đồng bào Chu Ru, Cil, Cơ Ho... ở Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung được bắt đầu từ mùng một Tết âm lịch cho đến hết tháng ba. Nhân dịp xuân Giáp Ngọ 2014, đồng bào Chu Ru (tỉnh Lâm Đồng) đã về với “Ngôi nhà chung” Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam tham dự Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” và tái hiện “Lễ hội bắt chồng” độc đáo này.

Đồng bào Chu Ru (Lâm Đồng) giới thiệu nét văn hoá của dân tộc mình tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: HT
Theo phong tục, khi thích một chàng trai nào đó, cô gái về thông báo cho gia đình và dòng họ biết. Gia đình sẽ đến nhà trai hỏi dạm. Nếu cả hai dòng họ đồng ý, trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức một đêm hội gọi là "Đêm hội bắt chồng".

Tín vật linh thiêng nhất của lễ hội chính là cặp Srí (cặp nhẫn cưới), với bao điều huyền diệu đậm bản sắc Tây Nguyên. Cô gái sẽ đến đeo nhẫn vào tay người con trai vào một đêm đẹp trời, gọi là đêm thiêng. Ngày cưới chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn nhẫn và đeo lại cho nhau. Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ và ngược lại nhẫn chàng trai do mẹ cô gái cất giữ.

Những nét văn hóa độc đáo này hiện vẫn còn được lưu giữ ở nhiều bản làng Tây Nguyên. Tập tục “bắt chồng” cho đến nay vẫn được người Chu-ru duy trì. Tái hiện “Lễ hội bắt chồng” nói riêng, các lễ hội của cộng đồng 54 dân tộc nói chung tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam vừa giới thiệu tới du khách đồng thời góp phần hoàn thiện không gian văn hoá của “Ngôi nhà chung” đồng thời thu hút du khách đến với công trình văn hoá hết sức ý nghĩa này.

Lễ hội cầu mưa của dân tộc Cor (Quảng Nam)

Lễ hội cầu mưa của dân tộc Cor có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào Cor huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, góp phần gắn kết con người với thần linh, đồng thời góp phần lưu giữ và bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Cor nói riêng.

Nghi thức cầu mưa của dân tộc Cor. Ảnh: HT
Trong buổi lễ, cả làng cùng tham gia và già làng đóng vai trò làm chủ lễ cầu khấn với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, để mùa màng tươi tốt, buôn làng no ấm, heo gà đầy sân, cho con trai khỏe như thân cây chò, cây dẽ, con gái dịu dàng như cái suối, cái sông.

Lễ hội cầu mưa của đồng bào dân tộc Cor là hoạt động cuối cùng khép lại chuỗi các hoạt động trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” 2014 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Trong những ngày qua, cộng đồng các dân tộc đã cùng nhau hội tụ, cùng mang về Ngôi nhà chung Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình, cùng nhau làm nên mùa xuân thắm tình đoàn kết của cộng đồng 54 dân tộc anh em.

T.H


Tin bài liên quan